EN" "http://www.w3.org/TR/xhtml1/DTD/xhtml1-strict.dtd"> Tiêu

Tiêu

Tiêu, Hồ tiêu - Piper nigrum L., thuộc họ Hồ tiêu - Piperaceae.

Mô tả: Dây leo sống nhiều năm. Các nhánh của thân có những rễ móc để đính thân cây vào giá tựa. Lá đơn, mọc so le, có cuống; phiến hình trái xoan nhọn, dài 11-15cm, rộng 5-9cm. Cụm hoa đối diện với lá, là những bông thõng xuống mang nhiều hoa không có bao hoa nhưng bao bởi nhiều lá bắc. Quả mọng không cuống, đường kính cỡ 4-8mm, lúc non màu lục rồi vàng và khi chín có màu đỏ. Hạt tròn, cứng, có mùi thơm và vị cay.

Mùa hoa quả tháng 5-8.  

Bộ phận dùng: Quả - Fructus Piperis Nigri, thường gọi là Hồ tiêu

Nơi sống và thu hái: Cây có nguồn gốc ở Ấn Độ, được trồng ở nhiều nước nhiệt đới. Ở nước ta, cây được trồng nhiều ở các vùng đất bazan từ Quảng Trị vào đến các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Một số nơi khác của Nam bộ cũng có trồng như Hà Tiên, Châu Đốc... Thu hái những chùm quả trên đó đã xuất hiện 1-2 quả chín đỏ hay vàng. Phơi hay sấy nhẹ đến khô, màu sẽ ngả đen. Bảo quản nơi khô ráo. Nếu ta thu hái quả lúc chưa chín rồi ngâm và chà ra để tách bỏ, ta được tiêu sọ màu trắng.

Thành phần hóa học: Trong Tiêu có nước, chất khoáng, tính bột, lipid và protid. Vỏ quả ngoài chứa 1-2,5% tinh dầu, gồm các terpen (phellandren, pinen, limonen) nên có mùi thơm và vị dịu. Hạt chứa 10% nhựa có vị cay và nóng do các chất có nitrogen, xem như là các alcaloid và những amid của piperidin và acid thơm không trung hoà. Hoạt chất chính là piperin (5-8%); là amid của piperidin và của acid piperic, kèm theo đồng phân của nó là chavicin, và piperettin là amid của piperidin và của acid piperettic. Tiêu sọ giàu tinh bột hơn, ít hơn về cellulose và tro, kém hơn Tiêu một ít về nhựa và piperin.

Tính vị, tác dụng: Vị cay, tính nóng, có mùi thơm; có tác dụng trừ hàn, làm ấm bụng, giảm đau, tiêu thực, khỏi nôn. Tiêu dùng với liều thấp là một chất kích thích sự tiết dịch vị và kích thích hệ thần kinh. Nó cũng có tính kháng khuẩn và diệt trùng, nên được dùng để gìn giữ thức ăn. Nó là chất kích thích và gây xung huyết da, các tuyến nhờn. Với liều cao, nó gây độc, có thể gây co giật và đái ra máu.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Tiêu là gia vị thông dụng khắp thế giới. Ở nước ta, thường dùng làm kích thích tiêu hoá, giảm đau, trị đau bụng lạnh, thổ tả, ăn không tiêu, nôn mửa hoặc trúng hàn vùng tim, suyễn thở, đờm tắc, quyết lạnh. Ngày dùng 2-4g, dạng thuốc sắc, bột hoặc viên. Tiêu tán bột dùng xỉa răng chữa đau răng, sâu răng, hoặc thổi vào mũi gây hắt hơi và xát vào chân răng chữa trúng gió lạnh, hôn mê cắn răng co quắp. Người ta còn dùng tiêu để trừ sâu bọ, thường bỏ vào tủ, hòm để quần áo khỏi bị nhậy cắn. Ở nhiều nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia, nó là vị thuốc thông thường.

Đơn thuốc: Hải thượng Lãn ông sử dụng tiêu để chữa nhiều bệnh:

1. Phong thấp: Tiêu, Hồi, Phèn chua, đều bằng nhau. Tán nhỏ xoa bóp vào chỗ đau.

2. ỉa chảy, thổ tả: Tiêu tán nhỏ, uống với nước cơm.

3. Nấc và ợ hơi: Tiêu sao và tán nhỏ, viên với hồ, uống với giấm.

4. Ho lâu không khỏi: Tiêu 6 hạt tán nhỏ, quả thận lợn 1 đôi, cắt miếng. Nấu lấy nước uống.

5. Âm hộ sưng ngứa: Tiêu 9 hạt, cho vào nước nấu sôi, để ấm mà rửa.

6. Chữa đi lỏng, ăn uống không tiêu: Tiêu, Bán hạ chế, hai vị lượng bằng nhau, tán nhỏ, làm viên to bằng hạt đậu. Ngày dùng 15-20 viên, dùng nước Gừng chiêu thuốc.

7. Lang ben: Lá tiêu giã nhỏ trộn với giấm hoặc rượu, bọc vải xát.

8. Tràng nhạc đã hoặc chưa vỡ: Lá Tiêu giã nát, thêm ít muối và đắp.

9. Cấp cứu dịch tả (ở An Giang), dùng trị bệnh dịch tả, trên mửa, dưới ỉa, khát nước, người mê mệt, lăn lộn: Đậu xanh (để cả vỏ) 5 chỉ, Tiêu sọ 5 chỉ, bột cà phê 2 chỉ và Gừng sống 5 chỉ. Các vị hiệp chung, quết cho nhừ, chế nước sôi vào nhồi cho đều, lược lấy nước cho bệnh nhân uống mỗi lần 1 muỗng canh. Cách 1 giờ đồng hồ uống 1 lần, uống nhiều lần trong ngày.



http://caythuoc.net/cay-thuoc/9999/690
http://chothuoc24h.com