EN" "http://www.w3.org/TR/xhtml1/DTD/xhtml1-strict.dtd"> Thiên danh tinh

Thiên danh tinh

Thiên danh tinh - Carpesium abrotanoides L., thuộc họ Cúc - Asteraceae.

Mô tả: Cây thảo cứng, mọc đứng, đơn hay phân nhánh, hơi có lông mềm lún phún, cao 60-120cm. Lá thuôn ngọn giáo ngược, thắt hẹp ở gốc thành cuống giả, đầu nhọn sắc nhiều hay ít, dài 10-15cm, rộng 5-8cm, có lông ráp ở trên, có lông mềm nhiều hơn ở mặt dưới, có răng lượn. Cụm hoa đầu vàng, ở nách những lá phía trên, không cuống hay gần như không cuống, rộng 7-8mm; lá bắc ngoài trái xoan, dạng lá, các lá khác có dạng vẩy, hình bầu dục, rất tròn ở đầu, có lông mi ở mép. Quả bế dài 2,5mm, có rạch dọc theo chiều dài, có mỏ 0,3-0,4mm.

Mùa hoa quả tháng 6-10.  

Bộ phận dùng: Quả - Fructus Carpesii, thường gọi là Hạc sắt, và toàn cây - Herba Carpesii, thường gọi là Thiên danh tinh.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Bắc Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc khá phổ biến ở miền Bắc, nhất là ở vùng cao Lào Cai, Hà Tây, Lạng Sơn. Thu hái quả và cây vào mùa xuân, hạ và đông.

Thành phần hóa học: Cây chứa tinh dầu. Quả chứa carabrone, carpesialactone, n-hexanoic acid.

Tính vị, tác dụng: Vị đắng, cay, tính bình; có tác dụng sát trùng, tiêu tích, giảm đau.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả dùng trị giun đũa, giun kim, sán dây, đau bụng giun, trẻ em cam tích, viêm mủ da. Ngày dùng 3-10g, dạng thuốc sắc. Cành rễ, lá làm thuốc có thể trị các chứng viêm do xung huyết như viêm cuống họng, viêm mạng sườn, viêm phế quản; lại có tác dụng gây nôn, trừ đờm và tẩy. Trị đau sưng họng rất hay, giã, vắt lấy nước hoà giấm nhỏ vào họng. Cành và lá vắt nước trị trùng độc cắn bị thương có công hiệu.

Kinh nghiệm dân gian Trung Quốc lấy lá non giã nhừ chữa bệnh thối gan bàn chân rất hay. Dùng cành lá giã đắp ngoài trị côn trùng độc cắn, đốt.

Đơn thuốc: Trị giun đũa, giun kim: Dùng Hạc sắc 10g, hạt Cau 10g. Sử quân tử 10g, sắc nước uống.



http://caythuoc.net/cay-thuoc/9999/651
http://chothuoc24h.com