EN" "http://www.w3.org/TR/xhtml1/DTD/xhtml1-strict.dtd"> Thương truật

Thương truật

Thương truật - Atractylodes lancea (Thunb.) DC, thuộc họ Cúc - Asteraceae.

Mô tả: Cây thảo sống lâu năm, cao 30-60cm, có thân rễ phát triển thành củ to. Lá mọc so le, dai, gần như không cuống; các lá ở phía dưới có thùy nhọn; các lá trên hình trái xoan thon, mép có răng nhọn như gai. Cụm hoa đầu ở ngọn thân, có lá bắc to, xẻ lông chim hẹp; trong đầu toàn là hoa hình ống, tràng hoa màu trắng hay tím nhạt. Quả bế dài; lông mào có răng.

Hoa tháng 8-10, quả tháng 9-11.  

Bộ phận dùng: Thân rễ - Rhizoma Atractylodis Lanceae. thường gọi là Thương truật - Mao thương truật

Nơi sống và thu hái: Cây của Trung Quốc. Ta đã di thực vào trồng thử, nhưng chưa phát triển đủ để tự túc được. Thu hái củ vào mùa xuân hay mùa thu, thường là vào tháng 7-8. Đào rễ, rửa sạch đất, cắt bỏ rễ con, phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học: Trong củ Thương truật có tinh dầu mà thành phần chủ yếu của tinh dầu là atractylodin, b-eudesmol, hinesol và hydroxy atractylon.

Tính vị, tác dụng: Vị cay, tính ấm; có tác dụng kiện tỳ, táo thấp, khư phong, tán hàn, minh mục.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thương truật được dùng trị bụng dạ đầy trướng, ỉa chảy, Thủy thũng, cước khí teo chân, quáng gà. Ngày dùng 10-20g thuốc sắc hay thuốc bột. Có thể xông khói để tiêu độc trong nhà, chống sâu bọ.

Đơn thuốc: Bài thuốc Bình vị tán chữa viêm dạ dày, ruột cấp và mạn tính, đau bụng, nôn mửa, đi tả, đầy bụng không tiêu: Thương truật 160g, Hậu phác 120g, Trần bì 80g, Cam thảo 40g. Các vị tán thành bột, trộn đều. Mỗi lần uống 8g bột với nước gừng hoặc nước nóng, ngày 3 lần.

Có thể nấu thành cao lỏng làm thuốc bổ, hoặc chữa đi lỏng, ngày uống 10-20ml.

Ghi chú: Người huyết áp cao không nên dùng.



http://caythuoc.net/cay-thuoc/9999/2849
http://chothuoc24h.com