EN" "http://www.w3.org/TR/xhtml1/DTD/xhtml1-strict.dtd"> Rì rì

Rì rì

Rì rì - Homonoia riparia Lour., thuộc họ Thầu dầu - Euphorbiaceae.

Mô tả: Cây bụi hay cây nhỡ 1-2m, vỏ ráp. Lá hình dải dài 5-21cm, rộng 1,5-2,5cm; gốc tù, chóp thuôn tù hay nhọn, mép nguyên hoặc hơi có răng, cuống lá có lông, lá kèm hình dùi, hơi phình lên ở gốc. Hoa khác gốc. Cụm hoa đực ở nách lá, thành chùm bông, hoa đực có 2 loại lá bắc; đài 3 mảnh; nhị nhiều do phân nhánh. Cụm hoa cái thưa hoa, dạng bông; hoa cái có hai loại lá bắc; đài 2 mảnh; bầu với 3 vòi nhụy. Quả nang hình cầu, có lông, 3 mảnh hơi lồi; hạt hình trứng.

Ra hoa tháng 1-5; quả chín tháng 6-7.

Bộ phận dùng:  Rễ, gỗ, lá - Radix, Lignum et Folium Homonoiae Ripariae.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam, Thái Lan, Philippin, Malaixia, Xri Lanca, Ấn Độ... Ở nước ta, cây mọc phổ biến ở các nơi từ thượng du đến trung du. Gặp ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Có khi được trồng để giữ bờ sông suối. Có thể thu hái rễ và các bộ phân của cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.

Thành phần hoá học: Dịch nhựa chứa albumin độc crepetin.

Tính vị, tác dụng: Rễ có vị đắng, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, tiêu viêm giải độc, lợi niệu. Ở Ấn Độ người ta cho là rễ nhuận tràng, lợi tiểu.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Vân Nam (Trung Quốc) người ta dùng rễ trị cảm, viêm gan mạn tính, đòn ngã, bệnh lậu, giang mai, sỏi bàng quang.

Ở Ấn Độ, nước sắc rễ dùng chữa trĩ, sỏi ở bàng quang, lậu và giang mai. Cũng dùng chữa loét, đái són đau, rối loạn đường tiết niệu.

Ở Campuchia, các chồi non và lá được dùng nấu nước gội đầu, gỗ cây dùng nấu nước hãm uống chữa sốt rét.

Ở Lào, nước nấu lá dùng trị ghẻ.

Ở Java, người ta dùng dịch cây để nhuộm răng đen và làm bền chắc răng bị lung lay.

Ở Malaixia, lá và quả nghiền ra dùng đắp trị bệnh ngoài da; cũng có thể sắc nước uống.



http://caythuoc.net/cay-thuoc/9999/2603
http://chothuoc24h.com