EN" "http://www.w3.org/TR/xhtml1/DTD/xhtml1-strict.dtd"> Đậu tây

Ðậu tây

Ðậu tây - Phaseolus vulgaris L., thuộc họ Ðậu - Fabaceae.

Mô tả: Cây thảo thấp hoặc cây leo. Lá kép 3 lá chét hình trái xoan, có đầu nhọn, mặt trên thường có lông và ráp. Hoa rộng 1-2cm, màu trắng, xanh lơ hay hồng. Quả đậu dài 10-30cm, đầu hình mỏ. Hạt có nhiều màu sắc khác nhau.

Bộ phận dùng: Vỏ quả, quả non còn tươi - Pericarpium et Fructus Phaseoli Vulgaris.

Nơi sống và thu hái: Cây gốc ở Nam Mỹ châu được nhập trồng ở nhiều nước, và vào nước ta khoảng trên 80 năm. Nay được trồng rộng rãi ở nhiều nơi, tới độ cao 1500m. Hiện có nhiều chủng loại được phân làm hai nhóm, Ðậu lùn và Ðậu leo. 1. Ðậu lùn: Cây cao 40-45cm, thời gian sinh trưởng 80-100 ngày, có các chủng: a. Ðậu ăn quả như Ðậu vàng (Ðậu cô bơ), Ðậu đỏ; b. Ðậu ăn hạt, như Ðậu tây trắng, Ðậu ấn nguyên, Ðậu cô ve hạt đen và Ðậu cô ve hạt đỏ. 2. Ðậu leo, gồm: a. Ðậu ăn quả, như Ðậu chạnh, Ðậu quả xanh dài; b. Ðậu ăn hạt; Ðậu bở, Ðậu lơ, Ðậu tây chịu nóng vừa phải, ưa mát, nhiệt độ thích hợp 12-23oC, độ ẩm không khí trên 50%, với nhiệt độ ban ngày tối đa 32oC, ban đêm 12-15oC. Năng suất cao nhất ở đất pH 5-6, bón nhiều phân hữu cơ. Ở nơi thích hợp, năng suất đạt 2000-2500 kg hạt/ha.

Thành phần hoá học: Quả chưa chín chứa inositol (0,75%); nó chứa trung bình 1,16% đường saccharose, 88,75% nước, 0,14 lipid, 2,72 chất có nitơ, 0,61 tro, 1,18 chất xơ. Vỏ quả trước khi hạt chín chứa asparagin, arginin, tyrosin, leucin, lysin, cholin, trigonellin, tryptophan, allantoin, acid allantoic, men allantoinase và urinase; tới 48,6% hemicellulose khi thuỷ phân cho galactose, arabinose và một ít levulose. Quả còn non cứ 1 kg tươi, chứa 0,35 mg kền (Niken) và 0,005mg coban. Hạt Ðậu tây chứa trung bình theo tỷ lệ % nước 13, protein 19,98, lipid 1,52, dẫn xuất không protein 59,15, tro 3,5, cellulose 2,8. Mầm hạt Ðậu tây rất giàu protein, hàm lượng có thể tới 44,50%.

Tính vị, tác dụng: Vỏ quả lợi tiểu, làm giảm lượng đường huyết. Ðậu còn non do chứa inositol nên là chất hồi sức cho tim.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Người ta dùng quả non làm rau xanh giàu chất dinh dưỡng cho người; có thể ăn luộc, thái lát xào. Hạt đậu già dùng hầm thịt, thổi xôi, nấu chè, làm nhân bánh, làm giá. Ðể làm thuốc, người ta dùng vỏ quả trị thuỷ thũng và đái đường. Người ta dùng 3-4 nắm vỏ quả đậu khô, ngâm vào 2 lít nước trong vài giờ cho mềm, rồi đun nhanh và để cho ngấm, lấy nước uống. Trong trường hợp đái đường, thuốc không có tác dụng điều trị lành hẳn bệnh nhưng lại có tác dụng chống đỡ tốt.

Ở Ấn Độ, người ta sử dụng đậu tây như thuốc làm dịu.



http://caythuoc.net/cay-thuoc/9999/1994
http://chothuoc24h.com